Tin tức
THỨC ĂN TRỞ THÀNH NÚI RÁC KHỔNG LỒ
06-10-2022Núi rác thải từ thức ăn
Cùng với nhịp sống hối hả của thời đại công nghệ số, con người dần không để tâm đến môi trường và thiên nhiên. Nhìn lại kỹ hơn, những núi rác thải sinh ra mỗi ngày lại chính là những thức ăn mà con người đã vứt đi một cách vô ý và cố ý. Vậy giải pháp nào thực sự tốt cho môi trường, giải quyết được những núi rác thải thực phẩm đồ sộ này?
Theo chuyên gia Năng lượng và Môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi, lượng rác thải đang chứa trong thùng rác chủ yếu là rác thực phẩm nặng nề, ẩm ướt và hôi thối. Bài viết “Thức ăn trong thùng rác” đăng tải trên báo VnExpress ngày 02/12/2020, mục Góc nhìn, anh có chia sẻ như sau:
“ “Nghiên cứu” thùng rác một thời gian, tôi phát hiện tỷ lệ rác thực phẩm nhà mình có khi lên đến 90% lượng phế thải.
Hơn 20 năm trước, tôi đã tự phân loại rác tại nhà. Thức ăn thừa, rau củ, vỏ trái cây, xác trà, bã cà phê, vỏ trứng, xương, phế phẩm tôm cá… toàn những thứ ẩm ướt và gây mùi. Chúng luôn chiếm 50% đến 90% thùng rác nhà tôi. Điều đáng nói ở chỗ, dù thuộc nhóm “nhà nghèo”, thực phẩm bị bỏ đi trong rác tại Việt Nam gần gấp đôi các nước giàu.
Cứ mỗi 10 tấn rác thải ra tại Việt Nam có 5 đến 8 tấn rác hữu cơ dễ phân hủy – hầu hết là rác thực phẩm, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới. Các nước càng phát triển thì tỷ lệ thực phẩm trong rác đổ đi càng thấp: trung bình 32% so với 57% ở các nước kém phát triển hơn.
Chưa bàn đến lý do tại sao “nhà nghèo” lại thải nhiều thức ăn trong rác, nó cần một bài báo khác mặc dù sau này tôi cũng hạn chế thức ăn thừa – việc đó còn tiết kiệm được tiền mua thực phẩm. Ở đây tôi chỉ bàn về công đoạn xử lý rác. Chỉ cần tách riêng rác thực phẩm đã có thể giải quyết thành công ít nhất một nửa cuộc khủng hoảng rác hiện nay ở Việt Nam.
Bảy năm trước, tôi được mời phát biểu tại Diễn đàn Phát triển xanh Hàn Quốc và tham quan khu xử lý rác Sudokwon. Đây là khu liên hợp xử lý rác thải lớn nhất xứ kim chi với công suất 15 nghìn tấn mỗi ngày, gấp rưỡi năng lực tiếp nhận của bãi rác Đa Phước và gấp ba công suất bãi rác Nam Sơn. Sudokwon phục vụ 25 triệu dân của Seoul, Incheon và Gyeonggi.
Tôi tận mắt chứng kiến mô hình biến chất thải thành tài nguyên hiện đại hàng đầu thế giới. Rác thực phẩm được xử lý thành khí sinh học, phân bón và thức ăn gia súc. Bao bì và giấy được chế biến thành nhiên liệu rắn. Thủy tinh và kim loại được thu hồi. Cuối cùng, chỉ có chất trơ và thành phần không tái chế được mới đem chôn lấp. Nước rỉ rác được xử lý để tưới cây. Khí sinh học từ rác thực phẩm, khu xử lý nước thải và bãi rác được “gom” lại đốt để phát điện. Chỉ riêng lượng điện từ bãi rác Sudokwon phục vụ gần 450 ngàn người, tương đương số dân thành phố Huế.
Không như những bãi rác luôn nồng nặc mùi hôi mà tôi từng khảo sát, khu Sudokwon như một công viên. Nó cũng là một điểm du lịch gần Incheon. Người Hàn Quốc đã biến một nơi tưởng chừng ai cũng bịt mũi xa lánh thành khu vui chơi, giải trí, giáo dục và tìm hiểu về môi trường. Trước khi tạm biệt, lãnh đạo Sudokwon tặng chúng tôi mỗi người một tấm thiệp màu xanh, khắc dòng chữ “rác thành tài nguyên” mạ vàng mỏng thu hồi từ rác.
Tôi kể về Sudokwon bởi câu chuyện rác của Hàn Quốc được khởi đầu không khác mấy so với điệp khúc “chặn xe vào bãi rác” tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong ba thập niên kể từ 1960 của Hàn Quốc đồng thời kéo theo cơn đau đầu về suy thoái môi trường, trong đó có sự gia tăng đột biến rác thải. Tương tự Việt Nam bây giờ, công nghiệp hóa và đô thị hóa chóng mặt tại xứ kim chi thời điểm đó đã làm cho đất chôn rác ngày càng khan hiếm. “Bãi rác ở đâu cũng được, nhưng không phải sau sân nhà tôi” là khẩu hiệu của dân chúng. Lãnh đạo nước này từ đó đã thay đổi hoàn toàn chính sách quản lý rác. Từ việc cố gắng xây càng nhiều khu chôn rác, Hàn Quốc chuyển sang giảm thiểu rác thải trước khi nó được tạo ra.
Để giảm lượng rác chôn lấp, Hàn Quốc áp dụng đại trà chính sách thu tiền rác theo thể tích từ đầu năm 1995. Các loại rác tái chế như nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại… được hướng dẫn tách riêng, thu gom riêng và miễn phí. Những thành phần không tái chế được, cần chôn lấp phải bỏ vào túi nylon tiêu chuẩn được bán tại các siêu thị. Có 8 loại túi: 2, 5, 10, 20, 30, 50, 75 và 100 lít. Các loại rác đặc thù như đồ điện tử cỡ lớn, đồ nội thất, rác thải xây dựng… được tính phí riêng và thu gom theo yêu cầu.
Dù vậy, các bãi rác vẫn bốc mùi vì rác thực phẩm vẫn được chôn. Cuối năm 1996, một nhóm đại diện người dân vùng Seoul – Gyeonggi không cho bất cứ xe nào chứa rác thực phẩm ướt nào được phép vào bãi rác. Áp lực liên tục khiến năm 2005, Hàn Quốc cấm hoàn toàn việc chôn rác thực phẩm. Năm 2013, nước này áp dụng thêm việc thu tiền rác thực phẩm theo cân. Nhờ sự quyết liệt đó, việc giảm thiểu và tái chế nguồn tài nguyên hữu cơ này mới “thăng hoa”.
Sau 18 năm xoay xở với rác, lượng rác tính trên đầu người tại quốc gia này giảm 28%. Lượng rác phải chôn lấp giảm từ 80% xuống còn 16%. Đặc biệt, 99% rác thực phẩm từ chôn lấp nay đã đảo ngược sang 99% được “chế biến”. Hơn một tỷ USD được thu mỗi năm nhờ giảm lượng rác và tái chế, đó là chưa kể không tốn thêm đất chôn lấp.
Việc phân loại tại nguồn và cách tiếp cận tổng thể về quản lý rác sẽ quyết định Việt Nam có thành công hay không. Trong đó, đầu tiên, tôi hy vọng nhà quản lý không nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Mục đích tối hậu của nhà nước là giảm thiểu rác thải và tăng tỷ lệ tái chế, nhằm giảm áp lực lên môi trường. Việc thu tiền rác chỉ là phương tiện – một công cụ điều tiết bằng kinh tế. Nếu quá chú trọng việc thu tiền rác từ dân trong khi vẫn chôn rác sau phân loại thì chính sách này phản tác dụng. Việc áp dụng phí rác mới nếu không đi kèm với cải tổ hạ tầng tiếp nhận, chuyên chở, tái chế rác, người dân sẽ mất động lực hợp tác.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng ưu tiên trong quản lý rác ở tầm quốc gia là rác thực phẩm. Một khi đã cô lập được loại rác ẩm ướt và nặng nề này, phần rác khô còn lại sẽ trở nên đơn giản. TP HCM chủ trương chỉ tách rác làm hai loại “tái chế” và “rác thải còn lại”, trong khi Hà Nội dự kiến chia thành rác “đốt được” và “không đốt được”. Với những cách phân loại này, điểm đến của rác thực phẩm sẽ vẫn là bãi rác. Nếu không quyết liệt tách riêng và hướng đến cấm chôn rác thực phẩm như Hàn Quốc, Việt Nam cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức tăng tỷ lệ tái chế các loại rác khô có giá trị. Việc này những người trực tiếp gom rác đang làm tốt, dù chưa phải cách hợp vệ sinh.
Chôn lấp rác vẫn là biện pháp được “ưa thích” tại các đô thị lớn. Cả nước hiện có 904 bãi rác thì 725 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Cuộc khủng hoảng rác sẽ tiếp tục khi các núi rác vẫn phình ra và cao lên trong khi đất chôn rác gần như cạn kiệt.
Bên cạnh việc dõi theo quyết sách vĩ mô, mỗi chúng ta liệu có trách nhiệm hơn với thùng rác nhà mình? Hạn chế bỏ thực phẩm, sẵn sàng phân loại chúng thay vì túm tất cả trong một túi nylon?’’
Chân thành cảm ơn bài viết của chuyên gia Năng lượng và Môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi. Hi vọng với những chia sẻ từ trải nghiệm thực tế tại nơi có những chính sách đúng đắn, lối sống văn minh trong việc phân loại và xử lý rác thải, Việt Nam chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện và giải quyết triệt để hơn trong vấn đề này. Hãy cùng hướng đến một tương lai giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thực phẩm, giảm thiểu chi phí bị sử dụng một cách lãng phí.
Nguồn: Báo VnExpress
Tác giả: Chuyên gia Năng lượng và Môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi